Skip to main content
Đáp án đề thi THPT Quốc Gia 2021

Bài viết chi tiết Bài tập làm văn số 3

Bài viết chi tiết Bài tập làm văn số 3

Đề 1. Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm,…)

Bài làm

        Nhà tôi ở ven một con suối nhỏ nước trong veo. Vào những hôm trời nắng đẹp đứng trên bờ suôi, tôi có thể nhìn thấu xuống tận dưới đáy, ở đó có những viên sỏi trắng tinh và cả những đàn cá trắng tung tăng bơi lội.

        Hàng ngày, tôi cùng lũ bạn rủ nhau ra suối, đi men theo mép của con suối bắt ốc, nhặt đá trắng về để chơi đồ hàng. Vui nhất là vào những ngày hè, chúng tôi thường trốn mẹ ra suối tắm. Thực ra, con suối nhỏ nhưng có những đoạn rất sâu có thể ngập đầu người lớn. Và ở trên đó là chiếc cầu của nhà dân bắc qua để lấy lối đi vào nhà.

        Như thường lệ, buổi trưa ấy, chờ cho mẹ ngủ say, tôi liền chạy sang nhà mấy thằng bạn cùng xóm rủ ra suối. Buổi trưa trời nắng nóng như lửa đốt, được đắm mình trong dòng nước mát thì còn gì bằng. Bởi vậy, nên vừa nghe tiếng huýt sáo báo hiệu quen thuộc của tôi, mấy thằng cũng vội vã lách cửa sau, nhanh chóng ra chỗ hẹn. Cả lũ chúng tôi chạy thật nhanh vì sợ cha mẹ phát hiện ra, bởi nếu bị bại lộ chắc chắn chẳng được đi, có khi đứa nào đứa nấy sẽ no đòn.

        Dòng nước mắt hiện ra trước mắt chúng tôi. Tôi có ý kiến hôm nay sẽ không bơi bình thường như mọi khi nữa mà thi nhảy xa, tức là đứng trên cầu nhảy xuống, ai nhảy xa nhất sẽ là người thắng cuộc. Hùng - thằng gan lì nhất thêm sáng kiến:

-  Tớ nghĩ ra trò mới nữa rồi.

-  Trò gì vậy?

        Cả lũ nhao nhao lên tiếng hỏi.

-  Chơi lặn, đứa nào lặn được lâu nhất tuần sau đi học sẽ không phải đeo cặp.

        Cả lũ reo hò hưởng ứng nhiệt liệt. Tôi nói:

-   Bây giờ sẽ thi lần lượt từng đứa một, những đứa còn lại đứng trên bờ theo dõi bấm giờ.

        Và tôi phân công luôn vì Hùng là người đầu têu nên sẽ là người thử sức đầu tiên, cả bọn vỗ tay hưởng ứng. Quả thật trong nhóm Hùng luôn tỏ ra đàn anh hơn cả, hắn không những học giỏi mà mọi trò chơi hắn cũng chẳng bao giờ chịu thua ai.

        Hùng chuẩn bị tinh thần xong, tôi hô:

-  Một. Hai. Ba. Bắt đầu...

        Ùm... Hùng đã nhảy xuống và mất tăm trong dòng nước. Lũ chúng tôi reo hò tán thưởng và bắt đầu bấm giờ: 1, 2, 3, phút trôi qua sang phút qua vẫn chưa thấy Hùng nổi lên. Chúng tôi trầm trồ khen ngợi sự tài ba của Hùng. Sang đến phút thứ 4, tôi cảm thấy nóng ruột bởi bình thường nhiều lắm thì chỉ đến phút thứ ba là chúng tôi đã chẳng thể nào chịu nổi. Thế mà đến giờ vẫn chưa thấy Hùng. Mấy đứa kia cũng bắt đầu lo lắng, chỉ trong nháy mắt chẳng kịp bảo nhau câu nào mấy đứa bơi giỏi liền nhảy xuống. Vừa lúc đó Hùng cũng trồi lên, khuôn mặt tái nhợt, thở lấy thở để, chúng tôi vội vàng dìu vào bờ. Người Hùng lúc này đã gần như lả đi. Phải mười phút sau Hùng mới lên tiếng:

-  Chỉ cần một tích tắc nữa thôi là tao đi chầu thuỷ thần chúng mày ạ.

-   Sao vậy, mọi ngày mày bơi, lặn giỏi lắm cơ mà.

-   ừ, thì tao vẫn tự tin như vậy, nhưng đúng lúc sắp chịu không nổi định trồi lên thì tao bị vướng vào chùm rễ cây mọc lan từ rừng ra cuốn chặt vào chân, tao cứ định trồi lên thì nó lại kéo tao xuống, may quá đúng lúc nghĩ rằng chết thật rồi thì bỗng dưng chân tao lại giật ra được và cố sức ngoi lên.

        Nghe tiếng Hùng hổn hển kể, chúng tôi đứa nào đứa nấy đều khiếp sợ. Chờ cho Hùng đỡ mệt chúng tôi mới dám về nhà và câu chuyện này vẫn mãi là bí mật của lũ chúng tôi. Và đó là kỉ niệm sâu sắc nhất mà tôi nhớ mãi đấy các bạn ạ.

Đề 2. Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan,…)

Bài làm

        Vì hoàn cảnh gia đình em phải theo bố mẹ chuyển về thành phố sống. Vậy là mấy năm liền em vẫn chưa có dịp về thăm quê. Đến hè vừa rồi vì đạt giải Toán thành phố nên bố mẹ em thưởng cho em một chuyến về quê. Ngồi trên xe em vô cùng hồi hộp và tự hỏi sau mấy năm xa cách không biết bây giờ quê của em có gì thay đổi không, những người bạn của em ra sao có ai phải bỏ học không. Vì quê em ngày xưa nghèo lắm, rất nhiều bạn chỉ học hết cấp một đã phải bỏ học đi chăn trâu.

        Chiếc xe đưa em từ từ rẽ phải, đường vẫn êm ru, em cứ ngỡ vẫn là con đường của phố huyện nhưng bất chợt em nhìn thấy cây đa cổ thụ ở đầu đường. Ôi con đường của quê mình đây mà. Em sung sướng reo lên:

- Bố ơi, đường về quê không còn ổ gà như trước nữa nhỉ.

        Bố gật đầu mỉm cười:

- Con đường này làm từ năm ngoái con ạ.

        Bất giác tôi nhớ lại cách đây mấy năm, ngày đó mỗi khi trời mưa, người dân làng tôi rất ngại ra phố huyện vì con đường sẽ vô cùng lầy lội, khó đi, có những đoạn phải dắt xe. Đi ra được đến phố thì người đã lấm lem đầy bùn đất. Thế mà bây giờ con đường ấy đã được thay thế bằng một con đường nhựa đen bóng láng. Tôi thấy người và xe qua lại có vẻ đông hơn trước rất nhiều. Từng đoàn xe đạp xe máy nối đuôi nhau, nhìn ai cũng tươi vui hớn hở.

        Càng về gần làng tôi càng ngạc nhiên vì sự thay đổi đến bất ngờ. Những ngôi nhà lá năm xưa giờ được thay thế bằng những ngôi nhà ngói sáng sủa đủ màu sắc, đây đó còn có những ngôi nhà hai, ba tầng như ở thành phố. Trong nhà cũng đầy đủ sa lông, tủ tường và trên tường cũng có những chùm đèn đủ màu sắc. Và đằng trước là những sân xi măng sạch bong phơi đầy lúa. Tôi nhớ trước đây người ta thường phơi lúa bằng sân đất cho nên dù có quét sạch đến mấy thóc vẫn đầy sạn và lúa phơi ở sân đất rất khó khô.

        Chiếc xe bon bon đưa tôi về đến tận sân nhà bác trai tôi. Căn nhà lá năm xưa cũng được thay thế bằng ngôi nhà hai tầng đồ sộ.

        Nhớ lại cách đây chỉ vài năm, làng tôi vẫn thuần nông nghiệp. Mọi thứ người ta chỉ biết trông vào ruộng lúa, luống rau. Nhìn khắp nơi chỉ thấy những cánh đồng lúa xanh mát thẳng cánh cò bay, mở mắt họ đã ra đồng, cặm cụi làm cho đến khi mặt trời lặn, sương đã vương áo họ mới trở về. Về đến nhà ai nấy lùa vội bát cơm là lên giường ngủ, chẳng biết đến xem phim, nghe ca nhạc là gì. Trẻ con như chúng tôi cũng phải làm, cứ đi học về ăn cơm xong lại theo đàn trâu, đàn bò lên rừng. Tối về chỉ còn xếp sách vở vào cặp là đi ngủ nên chẳng mấy đứa học giỏi. Cuộc sống lúc đó bình yên nhưng nghèo quá.

        Nhưng bây giờ, tôi thấy mọi chuyện đã thay đổi, nhà nào cũng có tivi đầu đĩa. Ngay từ đầu xóm người ta đã nghe rộn rã tiếng hát từ những chiếc đài catxets, từ chiếc đầu đĩa phát ra. Thôn xóm trở nên rộn rã. Và tôi nghe bác tôi kể lại cứ đến mùa bóng đá thì xóm làng càng rộn rã hơn. Trai tráng trong làng tụ tập nhau ngồi xem bóng đá. Họ xem rất vô tư vì không có cá độ như ở thành phố.

        Phương tiện đi lại cũng hiện đại hơn trước rất nhiều, trước đây khắp đường làng chỉ thấy toàn xe đạp, vậy mà nay hầu như nhà nào cũng có xe máy để đi lại, có người còn đi xe máy khi ra ngoài đồng làm, họ dựng xe ở trên bờ.

        Tôi rất vui khi thấy các bạn của mình đều học lên lớp 6, các bạn ấy cũng rất chú tâm vào chuyện học hành với mơ ước sau này đỗ đại học và được lên thành phố học. Tôi thầm nghĩ: Nếu sau này chúng tôi lại được học đại học cùng nhau thì vui biết mấy…

        Quê hương tôi mọi thứ đã đổi thay, trong bóng chiều thướt tha từng đàn trâu no tròn đủng đỉnh về chuồng, đằng xa từng đoàn người gánh lúa về, bước chân thoăn thoắt, tiếng cười nói râm ran.

        Phong cảnh ngày càng tươi đẹp hơn khi xen lẫn những cánh đồng xanh bao la, những vườn cây đầy hoa trái là những ngôi nhà xây đủ màu sắc. Xa xa, từng đàn cò trắng bay trong ánh nắng vàng rực rỡ.

        Nhìn quê hương đi lên nhanh chóng, tôi cũng thấy rạo rực vô cùng. Tôi chỉ mong học hành thật tốt để nhanh chóng trở về làm giàu đẹp hơn cho quê hương.

Đề 3. Kể về người bạn mới quen (do cùng hoạt động văn nghệ, thể thao mà quen, tính tình của bạn,…)

Bài làm

        Quê tôi ở nông thôn nhưng tôi lớn lên ở thành phố. Từ bé đến giờ, tôi mới chỉ được về quê có một lần. Nhưng lần ấy đã xa xôi lắm rồi, tôi chẳng còn nhớ điều gì nữa. Chả là lúc ấy tôi còn quá bé mà. Tuần vừa qua, tôi thật bất ngờ khi được bố mẹ cho về quê chơi ngày chủ nhật. Chuyến đi đã để lại trong tôi bao kỷ niệm khó quên.

        Suốt đêm hôm trước, tôi gần như không ngủ. Tôi cứ nằm mà tưởng tượng về quê nội. Tôi chỉ nhớ mang máng đó là một vùng quê nghèo ở miền trung du. Sáng sớm tàu đã chạy, tôi nghủ lăn trong lòng mẹ vì mệt quá. Lúc tỉnh dậy bước chân đầu tiên từ tàu bước xuống là bước chân tôi đi vào nhà nội. Ngôi nhà nằm ngay cạnh đường tàu, ba gian cũ kỹ, được xây bằng thứ gạch mà lâu ngày đã bị đám rêu làm cho ngả màu xanh. Trước mặt ngôi nhà là cánh đồng lúa mới gặt xong, những gốc lúa trơ ra phơi mình dưới những cơn gió heo may.

        Ăn cơm trưa xong, bố mẹ bắt tôi đi ngủ như ở trên thành phố. Đến chiều, tôi mới được mẹ cho đi chơi cùng các anh chị ở ngoài đồng. Một khung cảnh rộng mênh mông bát ngát nhìn mỏi mắt ở phía xa cũng chỉ thấy núi và mây trắng chứ không như thành phố chỉ thấy toàn nhà tầng và cao ốc. Đang cắm đầu đuổi theo con cào cào có cặp cánh màu xanh đỏ, tôi bỗng lao sầm vào một cậu bé trông người nhỏ nhắn hơn tôi khiến cậu bật phăng chiếc chạt bò. Tôi vội vàng:

- Xin lỗi cậu! Cậu có sao không?

- Không! Em không sao! Còn anh?

- Mình cũng không sao

        Bây giờ tôi mới có dịp quan sát kỹ người bạn: cậu người nhỏ nhắn nhưng nhìn khuôn mặt xem chừng không ít tuổi hơn tôi. Nước da cậu đen nhém nhưng đôi mắt sáng có vẻ rất thông minh. Tôi chủ động làm quen:

- Mình tên là Hải, mới về đây thăm ông bà nội. Còn bạn tên gì? Bạn bao nhiêu tuổi?

- Em tên là Minh, em 12 tuổi.

- Vậy hả? Thế là chúng mình cùng tuổi với nhau.

        Sự niềm nở của Minh không ngờ đã khiến một cậu bé khó tính như tôi nhanh chóng hoà nhập với đồng quê. Minh đã chỉ cho tôi bao thú chơi ttong buổi chiều ngắn ngủi. Những thú chơi ấy đến trong mơ tôi cũng chẳng bao giờ có thể nghĩ ra. Phải chăng vì thế mà tôi đã trở thành khó tính. Và vì thế mà giờ đây tôi mới phải đeo cặp kính cận nặng nề với một mớ kiến thức không sao tiêu thụ nổi. Minh kể cho tôi biết, cậu cũng là học sinh giỏi toàn diện của trường nhưng so với tôi, Minh còn biết bao nhiêu thứ khác. Minh dạy tôi biết bắt dế đồng rồi cho một cái hộp đề chơi trò chọi dế, dạy cách thả diều, dạy cách nghe tiếng sáo để phân biệt diều nhỏ, diều to… Tóm lại ở Minh, tôi thấy như có một kho những trò chơi mà tuổi thơ những ai lớn lên ở thành phố không bao giờ biết được.

        Buổi chiều ngắn ngủi trôi đi nhanh chóng. Tôi chia tay người bạn mới quen để về thành phố. Trước khi đi Minh còn cho tôi một chiếc diều. Tôi cầm chiếc diều lấy làm thích thú mặc dù đem về thành phố nhà mình chẳng biết sẽ thả ở đâu.

        Về đến nhà, thỉnh thoảng tôi lại viết thư về quê hỏi thăm Minh. Tôi hay kể cho Minh nghe chuyện phố phường, còn Minh lại bù đắp cho tôi những trống rỗng của tuổi thơ. Minh là người bạn mà tôi quen gần đây nhất. Tôi thật không ngờ ở cái nơi xa xôi ấy, tôi lại có được một tình bạn sâu sắc và thân thương đến vậy!

Đề 4. Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp các thiếu niên vượt khó,..)

Bài làm

        Nhân ngày hai mươi hai tháng mười hai – ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ngày quốc phòng toàn dân, trường em đã tổ chức đưa học sinh đến thăm các chú bộ đội hải quân ở quần đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa để hiểu rõ về công việc, nhiệm vụ mà các chú đang phải thực hiện.

        Sau hai giờ đi tàu trên biển, cuối cùng chúng em cũng đến được quần đảo Trường Sa, nơi đóng quân của các chú bộ đội hải quân.

        Ấn tượng đầu tiên về nơi đây đó là sự tĩnh lặng, trang nghiêm và khá vắng vẻ, không có nhiều người qua lại như nơi em sinh sống, cũng không có xe cộ qua lại tấp nập.

        Trước cổng vào là hai chú bộ đội đang canh gác, các chú mặc quần áo của bộ đội, áo màu trắng, trên cổ có diềm màu xanh dương, đội mũ màu trắng, trên vai đeo một khẩu súng dài rất nghiêm trang, bệ vệ.

        Khi nhìn thấy thầy giáo dẫn đoàn dẫn chúng em vào, các chú đã tiến lên trước một bước, để tay lên trán chào theo đúng kiểu quy định trong quân đội, đám học sinh chúng em cũng bị không khí nghiêm túc nơi đây ảnh hưởng, không còn tiếng cười đùa như còn ở trên tàu nữa, đồng loạt không ai bảo ai, chúng em cũng dơ tay lên chào lại với các chú ấy. Lúc ấy em cảm thấy mình và các bạn thật giống những chú lính nhỏ tuổi. Sau khi được sự đồng ý của các chú bộ đội gác cổng, chúng em được một chú bộ đội khác dẫn vào hội trường của đơn vị đóng quân nơi đây. Hội trường rất rộng, trên khán đài được bày một bục cao để trò chuyện, bên cạnh là ảnh bác Hồ, trên tường là mô hình của ngôi sao năm cánh và cờ đỏ búa liềm. Chúng em ai cũng ngơ ngác, liếc ngang ngó dọc khắp hội trường một cách thích thú, tò mò.

        Lên trò chuyện với chúng em là một bác đại úy khá lớn tuổi - bác là một cựu chiến binh của binh đoàn hải quân ở quần đảo Trường Sa này.

        Bác có vóc người cao lớn, giọng nói to, hào sảng và rất nghiêm trang. Bác đã kể cho chúng em nghe về quá trình đấu tranh gian khó trong những ngày đất nước có chiến tranh rồi ý nghĩa của ngày hai hai tháng mười hai hôm nay. Chúng em đã rất chăm chú nghe và ghi nhớ những lời bác đã nói. Cũng có rất nhiều bạn đã dơ tay đứng lên hỏi bác những câu hỏi như: Vì sao lại phải thành lập quân đội nhân dân Việt Nam? Hay Ai là người chủ trương thành lập?…..Bác đã cặn kẽ giải đáp những thắc mắc của từng bạn và còn giải thích thêm để chúng em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày này.

        Khác với vẻ nghiêm trang, trịnh trọng mà chúng em cảm nhận được ban đầu, khi kể về những câu chuyện vui khi bác còn là một người lính, giọng bác trở lên rất sôi nổi, hóm hỉnh. Bác kể đời lính tuy có vất vả nhưng lại rất vui, mọi người sống cùng với nhau, sát cánh bên nhau trong những ngày gian khổ nhất. Những câu chuyện của bác kể rất thú vị và hấp dẫn, qua đó chúng em hiểu được nhiều hơn về cuộc sống của người lính trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Sau khi trò chuyện, bác đại úy lại dẫn chúng em ra nơi các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ canh gác, đó là một cái chòi lớn ở trên cao. Các chú bộ đội hải quân đứng nghiêm trang làm nhiệm vụ. Vì đây là đường biên giới trên biển của nước ta nên mọi hoạt động quan sát, bảo vệ đều được thực hiện rất cẩn trọng, nghiêm túc.

        Các chú hải quân phải đứng trực trên đây hai tư trên hai tư, các chú luân phiên nhau trực, không có một chút lơ là, mất cảnh giác. Công việc tưởng như nhàn, chỉ việc đứng nghiêm canh gác nhưng thực chất rất khó khăn và tốn nhiều sức lực, các chú phải đứng nghiêm một tư thế mà vẫn đảm bảo quan sát được mọi tình hình diễn ra bên dưới, dù mệt nhưng cũng không được tự ý nghỉ ngơi mà phải cần có sự cho phép của cấp trên. Thời tiết ở đây rất lạnh, gió biển thổi mạnh đưa hơi nước biển tạt vào mắt làm mắt em cay xè, đôi mắt không thể mở ra nổi, nhưng các chú vẫn đứng canh gác rất hiên ngang, không hề tỏ ra mệt mỏi, uể oải. Điều này làm em rất kính phục các chú.

        Khi đi quan sát nơi ở của các chú bộ đội em mới biết các chú phải sinh hoạt trong một không gian rất nhỏ, một phòng có từ bảy đến tám người, ngủ trên những chiếc giường tầng nhỏ xíu. Mọi sinh hoạt đều không được đầy đủ, tiện nghi như ở thành phố. Ở đây các chú bộ đội hải quân vừa làm nhiệm vụ vừa tham gia sản xuất, nhìn khu vườn đầy rau xanh, những con lợn béo tốt nuôi trong vườn em lại càng cảm phục tinh thần và ý thức chiến đấu, bảo vệ tổ quốc của các chú.

        Làm việc nơi thời tiết có phần khó khăn, khắc nghiệt nhưng các chú bộ đội hải quân vẫn ngày đêm canh giữ, bảo vệ sự bình yên của dân tộc, cho đất nước. Chuyến đi ngày hôm đó làm em hiểu sâu sắc hơn về công việc của các chú bộ đội, càng làm em thêm yêu và kính trọng các chú hơn nữa.

Đề 5. Kể về những đổi mới ở quê em (có điện, có đường, có trường mới, cây trồng,...)

Bài làm

        Quê hương – hai tiếng thiêng liêng vang lên mỗi khi ai đó nhớ về chốn đã từng chôn rau cắt rốn, gắn bó với biết bao kỉ niệm, bao kí ức đẹp đẽ. Quê hương tôi, một miền quê trù phú với sông nước hữu tình, đang từng ngày đổi mới, thay da đổi thịt, trở nên đẹp đẽ và văn minh hơn.

        Tôi thường được nghe bà kể lại về những khó khăn vất vả thời xưa, thời mà đường làng vẫn còn đất đỏ, chỉ cần một trận mưa thì trơn như đổ mỡ, còn nắng thì con đường trở thành cơn lốc bụi, người đi sau không thấy người đi trước. Bà vẫn hay kể, ngày xưa, cây cối ở đây um tùm, toàn phải sống trong nhà tranh, nhà nào có nhà ngói thì phải gọi là giàu nhất làng. Bà còn bảo, ngày xưa nước sông trong veo, cứ mỗi sáng mọi người lại rủ nhau đi gánh nước tấp nập không khác gì đi hội. Bà hay đi chợ phiên, mỗi hôm có chợ phiên là bà và ông phải dậy thật sớm, đi bộ hàng ki lô mét mới tới chợ. Mà ngày xưa nghèo lắm, chẳng như bây giờ, mua được bao nhiêu thứ thì cũng phải nhìn trước nhìn sau. Tôi thích nghe những câu chuyện như thế, để tôi thấy bây giờ cuộc sống và quê hương mình thay đổi như thế nào. Thật là mọi thứ đã thay đổi, không còn như ngày xưa, sống động, giàu có và văn minh hơn.

        Trên con đường đi học, tôi cùng bạn bè trang lứa được đi trên những con đường trải nhự tăm tắp, nắng hay mưa cũng không lo như thời của bà của mẹ nữa. Nhìn những con đường uốn lượn trải dài y như những con rồng chạy quanh khắp xóm làng. Những ngôi nhà mái đỏ, nhấp nhô những ngôi nhà cao tầng đủ màu sắc càng tô điểm thêm khung cảnh của quê hương. Những quán ăn, hàng tạp hóa, chợ được xây dựng khang trang hơn, thuận tiện cho mọi người mua sắm. Cây cối cũng được phát quang, nhà mọc lên như nấm, người ta thường trồng nhiều loại cây cảnh để trang trí cho ngôi nhà. Không chỉ có nhà cửa cảnh quan thay đổi mà từ khi công nghệ phát triển, mạng internet có khắp mọi nơi, khiến cho công việc và tím kiếm thông tin càng trở nên dễ dàng. Những dự án mới ngày càng được chú trọng xây dựng cho quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Sân vận động cho các hoạt động thể dục thể thao, trạm phát thanh của xã được xây dựng và phát triển đi vào hệ thống. Những chương trình sự kiện được tổ chức thường xuyên nhằm thúc đẩy hoạt động văn hóa văn nghệ. Đền đài và các di tích lịch sử được tu sửa, đời sống tinh thần của con người cũng phong phú đa dạng hơn.

        Trên con đường đổi mới từng ngày, tôi lại càng thấy quê hương mình giàu đẹp và trù phú biết bao nhiêu. Tôi lại càng yêu quê hương và lại nhẩm mấy câu hát “quê hương em biết bao tươi đẹp, đồng lúa xanh núi rừng hàng cây..”

Đề 6. Kể về thầy giáo (cô giáo) của em (người quan tâm, lo lắng và động viên em học tập)

Bài làm

        Năm lớp 5 tôi được may mắn hoc thầy Phong. Cho đến giờ chúng tôi vẫn còn nhớ mãi những kỉ niệm về thầy.

        Dáng người thầy cao to, phải đến hơn mét bảy, gần mét tám. Tầm tuổi thầy mà cao như vậy thật hiếm có. Tóc thầy đã điểm hoa râm, xoăn tít rất lạ. Mắt thầy to, sáng. Ánh nhìn sắc lạnh và rất nghiêm. Nhưng khi cười trông thầy thật hiền từ.

        Thầy Phong dạy hay nhất là môn Toán. Bình thường lúc giảng bài thầy rất say sưa. Giọng nói chậm rãi nhưng nhịp tay cứ thoăn thoắt ghi những công thức lên bảng. Thầy không thích ngồi trên bàn giáo viên lâu. Thầy thường hay đi lại quanh lớp nhìn chúng tôi loay hoay tính toán. Và đặc biệt, thầy rất vui khi chúng tôi tìm ra những cách giải mới, hay và khác cách giải của thầy.

        Đầu năm học, khi mới học thầy, trong lớp đứa nào cũng sợ thầy một phép. Thầy cứ vào là lớp im phăng phắc, không dám ho he một tiếng. Gọi dạ bảo vâng. Bởi trông thầy nghiêm nghị quá. Mái tóc xoăn chải gọn ra sau, chiếc áo sơ mi trắng cộc tay và chiếc quần âu luôn được là phẳng nếp. Thầy ít khi nói đùa. Đang giảng bài mà phát hiện anh chàng nào hí hoáy làm việc riêng hay cười đùa là thầy dừng lại ngay. Bằng ánh mắt nghiêm nghị, thầy nhìn thẳng vào người đó. Lúc ấy, chàng ta chỉ có nước xấu hổ mà tự động đứng lên xin lỗi thầy. Xong, thầy không nói gì, lại tiếp tục giảng bài say sưa như chưa có chuyện gì xảy ra. Chính vì thầy nghiêm nghị thế nên chúng tôi ít khi dám trò chuyện với thầy bên ngoài giờ học.

        Mãi đến 20/11, kỉ niệm ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, bọn chúng tôi mới khám phá hết con người của thầy. Thầy là một con người rất tình cảm. Thầy rớt nước mắt khi nhận từ chúng tôi những bài hát và lời chúc chân thành. Đáp lại chúng tôi được thưởng thức giọng ca trầm ấm hay hơn cả Trọng Tấn của thầy. Chưa bao giờ chúng tôi thấy thầy cười tươi và nói nhiều đến vậy. Thầy kể cho chúng tôi nghe hồi còn trẻ, thầy và các bạn học trong lớp tre nứa, vừa học vừa nghe tiếng báo động. Những lúc trời mưa, lớp dột, cả thầy và trò ngồi dúm lại một góc mà vẫn ướt. Hồi ấy khổ nhưng mà vui lắm. Ai cũng chăm học và ngoan ngoãn.

        Khi đã gần gũi với thầy hơn, chúng tôi phát hiện ra nhiều điều mới từ thầy. Thầy là một nhà giáo rất tâm huyết với nghề. Thầy thường bỏ hàng giờ đồng hồ, thậm chí cả buổi chiều thứ bảy chủ nhật để kèm thêm cho những bạn kém mà không lấy tiền. Thầy rất kiên nhẫn. Thầy giảng thật chậm, thật kĩ. Khi chúng tôi đã hiểu thầy mới chuyển sang bài khác.

        Năm học cuối cấp của tôi trôi qua rất nhanh. Ngày chúng tôi ra trường cũng là ngày thầy về hưu. Thầy buồn lắm khi phải xa chúng tôi, xa lớp học trò cuối cùng của thầy, xa nghề dạy học. Cho đến giờ tôi còn nhớ mãi bài thơ thầy đọc trong buổi lễ chia tay:

                     "Hãy nhìn đi em - con đường phía  trước

                     Còn rất dài, cũng thật nhiều chông gai.

                     Thầy cô sẽ không dắt em đi suốt con đường dài

                     Chỉ mong sao

                    Mỗi bước em đi trên chặng đường mới.

                    Em vững vàng, vấp ngã - biết đứng dậy,

                   Chẳng bao giờ đánh mất niềm tin”.

Đề 7. Kể về một người thân của em (ông bà, bố mẹ, anh chị,…)

Bài làm

        Bà như một chiếc bóng, lặng lẽ, đi không ai biết, về không ai hay. Bà tất bật. Khi đi giồng sắn ở trại, lúc rẫy rày rày, khi đi bắt cua bán, lúc cấy thuê. Có lần bà bỏ nhà bốn năm ngày. Tôi hỏi Lĩnh nó rơm rớm nước mắt. Tuần phu đi rầm rập bắt thuế. Trống dồn sôi cả bụng, đập thình thịch vào cái ngực bé nhỏ của tôi.

        Cả làng đã im ắng. Bà như chiếc bóng trở về. ít khi tôi thấy bà nói chuyện nói trò với người khác ngoài các cháu ra. Ít khi tôi thấy bà đôi co với ai. Dân làng bảo bà hiền như đất. Nói cho đúng bà hiền như chiếc bóng. Nếu có ai lành chanh lành chói bà rủ ri khuyên. Bà nói nhiều bằng ca dao tục ngữ. Những chị mồm năm miệng mười, sau khi bà khuyên chỉ còn mồm một, mồm hai.

        Người ta bảo “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, bà như thế chúng tôi hư làm sao được. U tôi như thế, chúng tôi không nỡ hư, nỡ hỏng.

        [...] Một hôm thằng Lĩnh gánh nước, thổi cơm xong, chờ bà đỏ mắt, ông giời sai thần mưa đổ nước xuống sân từ sáng đến giờ.

        Bà về, bà đi lảo đảo. Áo xống ướt sũng. Cái khăn trên đầu không bao giờ bà vấn thành mỏ quạ mỏ cò gì cả. Nó ướt và giỏ nước ròng ròng, bà vuốt mặt không kịp. Bà thắt lưng con cón, cái giỏ cua bên sườn đầy ắp, nhộn nhạo. Con lớn giơ càng cắp con bé. Bà tháo giỏ cua rồi chạy vào giường, hai bàn chân xoa vào nhau rồi bà nằm xuống. Thằng Lĩnh đặt tay lên trán bà. Nó hốt hoảng đi tìm bác Ký gái, u tôi, chị Điệp, cô Toán, cô Nụ. Chỉ một lúc thôi, con cháu đầy nhà. Cô Toán thay áo xống cho bà. Cô Nụ đốt chồi xế gần giường. Cô Điệp hái lá bưởi, lá vối, lá tre, hương nhu, đun nước xông. Bà trùm chăn xông lùng bùng và có tiếng sụt sịt. Thầy tôi đánh gió cho bà bằng gừng nướng với rượu. Sau đó thầy đổ rượu vào chén, lửa cháy xanh lè. Thầy úp chén, bốn cái chén nóng như nồi rang vào lưng bà. Khi lấy chén ra, bốn cái hình tròn tím bầm. Thầy lấy gai bưởi nhố ra. Những giọt máu đen sì. Thầy đã nhiều lần mười sống một chết, thầy thuốc đã báo cho thầy như thế. Có một sự lạ bà không rên nữa. Thầy gật đầu: “?? Khỏi”. Bác Ký gái thì lắc đầu: “Những người không ốm bao giờ, khi ốm thì khó qua khỏi”. Mọi người buồn ra mặt. Riêng thầy tôi cười nói như không. Lạ thật.

        [...] Sáng sớm ngày thứ ba, mặt trời độ một con sào, nắng đỏ lựng cả sân. Chúng tôi ríu ran chào bà. Bà ngồi giữa sân phơi nắng. Bà chải đầu bằng lược bí để bắt chấy. Tôi đứng nhổ tóc bạc, tóc sâu cho bà. Nhưng tóc bà bạc trắng. Người ta cứ hay nói: Cháu nhổ tóc bạc cho bà. Nói như thế để tỏ lòng thương bà mà thôi. Tôi không nhổ một sợi tóc nào. Hình như mỗi ngày tóc bà bạc đến mười sợi. Tôi ngậm ngùi. Bà tự xâu kim lấy, tôi lại vui: giàu hai con mắt. Tay bà run run vá áo. Tôi lại buồn: Khó hai bàn tay. Bác Ký thấy bà mặc vá, may cho bà một cái váy, cái áo; cho thằng Lĩnh bộ áo quần. Chưa lần nào bà nhận. Cứ gần tết bà mua mười vuông vải nâu diềm bâu vài thước vải trúc bâu. Bà sai thằng Lĩnh đi hái lá bàng về nấu lên nhuộm sau đó nhuộm bằng nước củ nâu. Nhuộm mãi vài chục nắng. Nó thành màu cánh gián. Riêng mấy thước vải của bà, bà giải ra sân trát kín bằng bùn ao phủ, phơi mấy đêm ngày. Nó đen nhẫy. Đấy là vải váy của bà. Bà mua láng đen về làm khăn. Thế là bà mặc xêng xang ba ngày Tết và cả năm. Khi nó rách thì bà vá lại.

        Mới mưa. Nước ao chùa lênh láng đục ngầy. Những loài ở nước được ngày mở hội. Chả mấy khi bà được rảnh rang. Chúng tôi tha hồ hỏi bà.

        Cái Bàng hỏi hay nhất; bà bắt chuyện trẻ con thì thâu đêm suốt sáng nó không chán:

- Bà ơi! Sao con ểnh ương ngắn cổ mà gào to thế?

- Nó phải gào lên để doạ những con còn hại nó.

- Bà ơi sao con chẫu chuộc lại kêu “chuộc, chuộc”?

[...] Cái áo của bà vá đã gần xong. Lĩnh chạy về áo quần lấm bê bết. Nó xách xâu cá đến chục con.

- Ba con cá to nhất nó nhảy từ ao lên bờ. Trưa nay bà tha hồ ăn canh cá nấu hẹ!

        Bà ngẩng phắt lên nhìn Lĩnh:

- Chim sa cá nhảy là đừng có bắt, phải tội. Nó gặp nạn phải cứu nó. Cháu thả ngay ba con cá ấy xuống ao chùa!

        Lĩnh đang vui, bây giờ nó tiu nghỉu lặng lẽ đi thả cá.

        Bỗng nhiên con quốc ở đâu bay đến, lủi vào bụi ruối, sát mặt nước góp vui vào ngày hội ao chùa “Lưỡi cuốc cuốc - già già già...” Nó kêu đến khản cổ. Thế là dàn bát âm thêm một giọng. Nghe tiếng cuốc bà lắc đầu lẩm bẩm:

- Rõ khổ. Nó hiền lắm. Nó kêu vì cái nỗi mất nước nhà tan. Nó kêu suốt đêm, suốt ngày, suốt mùa hè nó chỉ còn một nắm xương khô. Trước lúc chết nó tìm chỗ kín để giấu xác. Cho nên ít người tìm thấy xác nó...

        Bà đã khỏi lại gần như trước. Bà lại lam lũ sớm tối.

        Hơn một năm sau, vào một buổi trưa mùa đông, bà đi đâu về. Bà bảo Lĩnh mua bốn cái đậu nướng. Ngồi trên giường, bà bẻ hai cái đậu chấm muối ăn. Bà nhìn Lĩnh lúm cúm ra sân, mỗi miếng nhai nước mắt bà ròng ròng. Bà gọi Lĩnh cho nó hai cái. Bà sụt sịt như ăn phải gừng. Bà nằm xuống phủ cái chăn điệp. Như linh tính của trẻ con, Lĩnh ngơ ngác. Sao hôm nay bà ngủ trưa? Sao hôm nay bà ăn đậu? Nó áp mặt vào mũi bà, không thấy bà thở. Nó sờ chân bà, lạnh như đồng ngâm. Nó gào lên. Chỉ một lúc con cháu đến chật nhà, hàng xóm đến đầy sân. Mọi người lay gọi bà. Bà ?? ra cổng gào đến mười lần:

- Ba hồn chín vía bà ngoại ở đâu thì về với con cháu, với xóm, với làng...

- Bà ơi! Bà chết thật rồi!

        Chúng tôi vừa khóc, vừa gào thét. Trong đám trẻ con thằng Lĩnh gào khản cả cổ.
... Linh được bác Ký đem về nuôi. Ba gian nhà gianh gió lùa. Mấy cái ống tre ngoài hiên khóc vu vu cả ngày lẫn đêm.

Tôi đi qua có lần tưởng bà còn sống vì bà mất vội quá. Bà ơi bà!

        Bà vẫn hát đây:

        Trèo lên cây khế nửa ngày...

 

Luyện bài tập vận dụng tại đây!

Tổng ôn tập MÔN VĂN Lớp 6