Skip to main content
Đáp án đề thi THPT Quốc Gia 2021

Phân tích truyện Nhưng nó phải bằng hai mày

Phân tích truyện Nhưng nó phải bằng hai mày

Bài làm

     Truyện cười dân gian Việt Nam ra đời cùng lúc với những câu ca dao tục ngữ, được lưu truyền qua những cuộc trò truyện giải trí. Những mẩu truyện cười dân gian như món ăn tinh thần mang lại tiếng cười giòn giã mà không kém phần sâu xa với người nông dân. Truyện cười: “Nhưng nó phải bằng hai mày” kể lại câu chuyện hài kịch xử kiện thắng thua của Cải với Ngô với người xử kiện là Lý trưởng.

     Truyện được tạo ra như một màn kịch nhỏ với sự xuất hiện của ba đối tượng gây cười: Lí trưởng, Cải và Ngô. Sự việc được kể rất ngắn gọn: Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng và thầy lí cho Ngô thắng, còn Cải bị đánh mười roi. Khi Cải thắc mắc, thầy lí xoè bàn tay và nói: “Nhưng nó phải bằng hai mày”. Truyện kết thúc ở đó và để lại nhiều tiếng cười thâm thuý.

     Tiếng cười ấy có lẽ được bật lên từ mâu thuẫn gây cười mà tác giả dân gian tạo ra. Cải và Ngô đi kiện nhưng lại sợ bị thua mà đút lót cho lí trưởng. Viên lí trưởng được nói: “Xử kiện giỏi” mà phán người nhiều tiền hơn thắng. Mâu thuẫn trái ngang giữa những nhân vật tạo cho người đọc tiếng cười vui vẻ.

     Tình huống được tạo ra cũng hết sức hợp lý, tài tình. Cải và Ngô đánh nhau, cả hai cùng đi kiện. Khi đi kiện, cách ứng xử của hai người giống nhau, đều đút lót. Cải lót Năm đồng, Ngô biện chè Mười đồng. Chính cách ứng xử này bộc lộ rõ bản chất của cả hai. Có gan đi kiện nhưng không dám đối chứng công bằng, không trung thực. Đây cũng là hiện trạng bấy giờ của nhiều người nông dân lao động. Tác giả dân gian qua Cải và Ngô để thấy được bản chất tính cách không trung thực của bộ phận không nhỏ người nông dân thời đó.

     Khi thầy lí xử kiện, phán Cải thua, phạt mười roi, ngay tức thì nhân vật có phản ứng và ứng xử. Cải biện minh xoè năm ngón tay. Thầy Lí xoè năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay phải và nói: “Tao biết. Nhưng nó phải bằng hai mày”. Ngay tại hành động và lời nói của thầy lí đã đẩy kịch tính của truyện lên cao trào và đồng thời mở nút thắt, làm bật lên tiếng cười sảng khoái. Cũng chính tại đây, bản chất được bộn lộ. Cải thì nhắc khéo, gian lận còn ông Lí được nói là sự kiện giỏi kia thì tham nhũng, bị đồng tiền mua chuộc. Đến đây người đọc không chỉ cười mà còn thấy bất bình thay. Hoá ra xã hội phụ thuộc vào đồng tiền. Quan lại thời đó tham nhũng, bị mua chuộc bởi đồng tiền mà chẳng biết phân biệt đúng sai, xử thắng thua dựa vào giá trị đồng tiền.

     Truyện cười: “Nhưng nó phải bằng hai mày” tạo nên tiếng cười sảng khoái bởi những mâu thuẫn mà tự nhân vật tạo ra. Xã hội phong kiến với những mâu thuẫn sâu sắc về giai cấp khiến cho truyện cười được ra đời tự nhiên để không chỉ là tiếng cười giải trí mà còn là lời phê bình, lên án sâu sắc tầng lớp giai cấp trong xã hội để với ước muốn cải tạo xã hội tốt đẹp. Đúng như quy luật, đặc điểm của truyện cười, “Nhưng nó phải bằng hai mày” với kết cấu ngắn gọn, súc tích, giàu kịch tính ngôn ngữ lời nói, ngôn ngữ cử chỉ đa dạng không chỉ đem lại tiếng cười sảng khoái mà đồng thời lên án những thói hư tật xấu, tham nhũng của quan lại, phê phán người nông dân tự mình đẩy mình vào tình huống bi hài.

     Qua truyện cười “Nhưng nó phải bằng hai mày” tác giả dân gian với những tình tiết đơn giản đã để lại cho người nghe, người đọc tiếng cười và những cái nhìn mới về xã hội phong kiến Việt Nam một thời.

Luyện bài tập vận dụng tại đây!

Tổng ôn tập MÔN VĂN Lớp 10