Skip to main content
Đáp án đề thi THPT Quốc Gia 2021

Bài giảng Phương pháp thuyết minh

Bài giảng Phương pháp thuyết minh

1. Tầm quan trọng của phương pháp thuyết minh:

- Khái niệm: Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Nó cung cấp tri thức khách quan về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân … của sự vật hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giải thích.

- Để làm tốt một bài văn thuyết minh, điều quan trọng phải hiểu biết rõ ràng, chính xác, đầy đủ về sự vật, hiện tượng cần được thuyết minh và lòng mong muốn truyền đạt những tri thức ấy cho người đọc (người nghe).

- Mối quan hệ giữa phương pháp thuyết minh và mục đích thuyết minh:

+ Phương pháp thuyết minh phục vụ mục đích thuyết minh.

+ Mục đích thuyết minh được hiện thực hóa thành bài văn thông qua các phương pháp thuyết minh.

2. Một số phương pháp thuyết minh:

a. Phương pháp liệt kê

VD:

         Cây dừa cống hiến tất cả của cải của mình cho con người: thân cây làm máng, lá làm tranh, cong lá chẻ nhỏ làm vách, gốc dừa già làm chõ đồ xôi; nước dừa đề uống, đê kho cá, kho thịt, nấu canh, làm nước mắm..,

(Cây dừa Bình Định)

b. Phương pháp nêu ví dụ

VD:

         Ngày nay, đi các nước phát triển, đâu đâu cũng nổi lên chiến dịch chống thuốc lá. Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm phạt 500 đô la).

(Ôn dịch, thuốc lá)

c. Phương pháp nêu số liệu

VD:

         Với tỉ lệ hằng năm tăng 1,73% như mười lăm năm trước và 1,57% năm 1990 thì dân số hành tinh của chúng ta năm 2015 sẽ là hơn 7 tỉ người.

(Bài toán dân số)

d. Phương pháp so sánh

VD:

         Biển Thái Bình Dương chiếm một diện tích lớn gần bằng 3 đại dương khác cộng lại và lớn gấp 14 lần diện tích biển Bắc Băng Dương là đại dương bé nhất.

e. Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích

VD:

– Cụm danh từ là loại tổ hợp từ do danh từ với một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành.

 (Ngữ văn 6, tập một)

– Di truyền là hiện tượng truyền đạt các tình trạng của bố mẹ, tổ tiên cho các thế hệ con cháu. Còn biến dị là hiện tượng con cháu sinh ra khác với bố mẹ và khác nhau về nhiều chi tiết.

(Sinh học 9, SGK thí điểm)

g. Phương pháp phân loại, phân tích

VD:

         Nhạc cụ của điệu hát này ( hát trống quân – NBS) giản dị không chỗ nói: đàn kìm, đàn  nhị, đàn sến,…hết thảy đều là đồ bỏ. Tất cả nhạc cụ chỉ gồm một cái hố sâu, có cái thùng bằng thiếc úp trên, trên thùng có một sợi dây kẽm dài chừng năm sáu thước căng giữa hai cái cọc. Cầm mảnh gỗ, gõ khẽ một chút vào đầu dây, cái dây bật vào thùng phát ra một thứ âm thanh giòn giã nhịp theo tiếng hát thật duyên dáng.

( Theo Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai)

h. Phương pháp nêu chú thích:

VD:

         Ba-sô là một thi sĩ – người hành hương danh tiếng sống ở Nhật vào thế kỉ XVII. Ba-sô là bút danh.

i. Phương pháp giảng giải nguyên nhân- kết quả:

VD:

         Một đệ tử mang đến cho ông một cây lạ nhập giống từ xứ Trung Hoa. Đấy là cây chuối, giống chuối tiêu. Và ngay tức thì nhà thơ say mê nó, ông bị những tàu lá dài và rộng kia quyến rũ...Trong tiếng Nhật, cây chuối là ba-sô...còn cái tên nào thích hợp cho ông lấy làm bút danh hơn là tên loài cây mà ông yêu mến.

3. Yêu cầu đối với việc vận dụng phương pháp thuyết minh:

- Việc lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp thuyết minh cần tuân theo các nguyên tắc:

+ Không xa rời mục đích thuyết minh.

+ Làm nổi bật bản chất và đặc trưng của sự vật, hiện tượng.

+ Làm cho người đọc (người nghe) tiếp nhận dễ dàng và hứng thú.

Luyện bài tập vận dụng tại đây!

Tổng ôn tập MÔN VĂN Lớp 10