Skip to main content
Đáp án đề thi THPT Quốc Gia 2021

Sinh sản sinh dưỡng do người

Sinh sản sinh dưỡng do người

Một số hình thức sinh sản sinh dưỡng do người như: ghép cành, chiết cành và nhân giống vô tính nhằm mục đích nhân giống cây trồng

1. Giâm cành

giâm cành

- Sau 1 thời gian cắm xuống đất ẩm cành sắn xuất hiện rễ và chồi mới ở các mắt → tạo thành cây mới gọi là hình thức sinh sản bằng giâm cành.

- Khái niệm: giâm cành là cắt 1 đoạn cành nào đó có đủ mắt, chồi cắm xuống đất ẩm cho cành đó bén rễ, phát triển thành cây mới.

- Một số cây thường được trồng bằng cách giâm cành như: sắn, rau ngót, mía, dâu …

- Đặc điểm của của cây đem giâm cành là: cành phải có các mấu, trên cành có đủ mắt, chồi, có khả năng tạo rễ phụ nhanh.

2. Chiết cành

- Các bước chiết cành:

+ Bước 1: chọn cành để chiết: cành khỏe, không bị sâu bệnh, đã có quả 1 vài lần (bưởi, cam, chanh …). Cắt 1 khoanh vỏ (gồm cả mạch rây) đến sát phần gỗ non của thân cây, dài từ 3 – 4cm.

+ Bước 2: Làm bầu đất: lấy đất ẩm (mùn cưa…) đắp lên chỗ vết cắt, dùng nilong bó lại thành bầu, chọc các lỗ cho bầu đất được thoáng khí và luôn giữ ẩm.

+ Bước 3: Khi cành chiết ra rễ mới, cắt đem trồng xuống đất.

chiết cành

- Khái niệm: chiết cành là làm cho cành ra rễ ngay trên cây rồi mới cắt đem trồng thành cây mới.

- Nhận xét: rễ của cành chiết thường mọc ở mép vỏ phía trên của mép cắt vì:

+ Phần vỏ cắt bỏ chứa mạch rây → các chất hữu cơ được tổng hợp từ lá không vận chuyển được xuống dưới → tích tụ lại ở đó.  

+ Bầu đất có đủ độ ẩm → tạo điều kiện cho sự hình thành của rễ → xuất hiện rễ ở mép cắt bên trên.

- Một số cây thường dùng để chiết cành là: bưởi, nhãn, cam, chanh…

Những cây này thường được dùng để chiết cành chứ không dùng giâm cành vì chúng ra rễ phụ rất chậm nếu đem giâm xuống đất có thể làm chết cành đem đi giâm.

3. Ghép cây

- Khái niệm: ghép cây là đem cành (cành ghép) hoặc mắt (mắt ghép, chồi ghép) của cây này ghép với cây khác cùng loại (gốc ghép) để cho cành ghép hoặc mắt ghép tiếp tục phát triển.

- Các bước ghép cây

+ Bước 1: Rạch vỏ gốc ghép 

+ Bước 2: Cắt lấy mắt ghép (cành ghép) 

+ Bước 3: luồn mắt ghép vào vết rạch

+ Bước 4: buộc dây để giữ mắt ghép

ghép cành

- Khi mắt ghép phát triển được 1 thời gian người ta sẽ cắt phần trên của gốc ghép đi để tập trung chất dinh dưỡng nuôi mắt ghép.

- Một số cây thường được ghép: ghép giữa cây bưởi và cây cam, cây bưởi cây phật thủ…

cây ghép cành

Luyện bài tập vận dụng tại đây!

Tổng ôn tập MÔN SINH Lớp 6